image banner
Nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu
Lượt xem: 1112
Sáng 18/4, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước và trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững ngành Công thương tại các địa phương. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công thương đồng chủ trì hội nghị.

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Quý I năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Cục Công thương địa phương cho biết, tính chung quý I năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%. Có 48 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Quý I năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15,6%). Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.

Về công tác quản lý nhà nước, ngành Công thương đã xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ngành theo chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ động theo dõi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm thuộc các nhóm ngành quan trọng, chủ lực của tỉnh, thành phố...

Về lĩnh vực thương mại đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu và Kế hoạch thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa. Triển khai thực hiện phương án bình ổn hàng hóa thiết yếu, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá. Tiếp tục theo dõi, bám sát và nắm chặt tình hình thị trường cung cầu xăng, dầu. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương định hướng cho sự phát triển của vùng, các địa phương đã tích cực, chủ động tham gia các hoạt động liên kết vùng, là cơ sở để các địa phương trong vùng thực hiện quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính khả thi và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đã phân tích nguyên nhân suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu. Theo đó, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng  loại của Việt Nam...

Sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm như ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép… Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp Nghệ An quý I tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022

Tại tỉnh Nghệ An, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hoá ước đạt 22.547,2 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ 2022, đạt 26,52%/Kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 521,6 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 20,8%/Kế hoạch. Một số mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 như: Xi măng tăng 20,8%, hàng thủy sản tăng 164%, giày dép các loại tăng 85,7%, gạo tăng 137%, dây điện và cáp điện tăng 16%; hạt phụ gia nhựa tăng 8,2%,...

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ 2022: Hàng dệt may giảm 12,4%, Linh kiện điện tử giảm 29%, Tôn thép các loại giảm 58,7%, Dăm gỗ giảm 8,9%, Tinh bột sắn giảm 28%, Xơ sợi dệt các loại 80%, Bột đá giảm 21,7%,... Một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An có kim ngạch giảm như Trung Quốc giảm 17,5%; Hoa Kỳ giảm 8%, Đài Loan giảm 42,5%, Thụy Sỹ giảm 60%,.... Nguyên nhân giảm sút chủ yếu ảnh hưởng do khủng hoàng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng và việc thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng giảm, nhiều đơn hàng bị cắt giảmnên sản xuất nhiều mặt hàng giảm mạnh. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 312,04 triệu USD, tương đương 99,64% cùng kỳ năm 2022.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 và các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục hỗ trợ các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,… đẩy nhanh tiến độ đầu tư sớm đưa các dự án dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2023 để đóng góp năng lực sản xuất mới tăng thêm của ngành công nghiệp. Tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động của Tổ chỉ đạo tăng trưởng công nghiệp và thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu; tập trung nắm bắt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư,  sản xuất kinh doanh.

Chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tập trung phát triển các vùng nguyên liệu đảm bảo đầu vào ổn định cho các nhà máy chế biến đường, nhà máy chế biến gỗ, chế biến chè, chế biến sữa, chế biến cá hộp,… Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, hạ tầng dịch vụ logistics và hỗ trợ tín dụng đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mua sắm thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất thông qua các hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị. Tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho vay đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa…

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị của Bộ Công thương, các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt, kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, bảo đảm thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch được giao. Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành.

Bên cạnh đó, bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực. Tổ chức làm việc với một số địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đảm bảo khả thi phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu. Khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp.

Phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.


BẢN ĐỒ XÃ CHÂU QUANG - HUYỆN QUỲ HỢP
Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHÂU QUANG
Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Quang;

Trụ sở: Xã Châu Quang - Huyện Quỳ Hợp - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: - Email: